Tương lai nào cho ngành trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam.

Các nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo – AI đã không còn chỉ ở trong các phòng nghiên cứu công nghệ đơn thuần mà đã và đang đi vào hàng loạt ứng dụng trong cuộc sống hiện đại. Với tốc độ phát triển “thần tốc” như hiện nay, lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo Việt Nam được dự báo sẽ sớm vươn lên tầm cao mới để cùng thế giới giải quyết các thách thức thế kỷ.

Việt Nam tiến tới có 10 thương hiệu Trí tuệ nhân tạo Top khu vực.

Trong Chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo, Thủ tướng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam nằm trong nhóm 4 nước dẫn đầu ASEAN trong lĩnh vực này, đồng thời xây dựng thành công 10 thương hiệu trí tuệ nhân tạo có uy tín trong khu vực. Đây là khát vọng lớn, đồng thời cũng là động lực chắp cánh cho các ý tưởng đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt. Cùng với tham vọng trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo của ASEAN, chính phủ đã ban hành các chính sách ủng hộ và hỗ trợ sự phát triển của ngành trí tuệ nhân tạo. Chiến lược ban hành với hy vọng tạo ra cú huých cho sự phát triển của AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới. 

Cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực AI. 

Hiện nay, cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này rất rộng mở. AI đang đi vào cuộc sống của chúng ta một cách mạnh mẽ và được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong ngành kinh tế các nước. Chính vì là lĩnh vực rất mới nên AI đang tạo ra một cơn khát nguồn lực rất lớn. Sinh viên tốt nghiệp chuyên ngành AI có cơ hội việc làm rất đa dạng như: Kỹ sư phát triển ứng dụng AI, Kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa, robot, Kiến trúc sư dữ liệu, chuyên viên phân tích dữ liệu, Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các tổ chức, doanh nghiệp tại các công ty công nghệ, viễn thông hoặc các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Đối với các bạn trẻ muốn đi sâu nghiên cứu có thể định hướng trở thành: Nhà khoa học dữ liệu, chuyên viên phân tích, kỹ thuật viên AI, Kỹ thuật viên học máy, Chuyên viên quản lý dữ liệu, kỹ sư dữ liệu, Nhà phát triển hệ thống AI…  tại các viện nghiên cứu, doanh nghiệp nghiên cứu thị trường hoặc các trung tâm nghiên cứu của công ty công nghệ, viễn thông…

Thách thức về dữ liệu và nguồn nhân lực AI.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, hiện nay, tiếp cận với AI không đơn thuần chỉ là câu chuyện của các nhà nghiên cứu, nhà toán học, nhà công nghệ thông tin. AI cần được tiếp cận ở góc độ rộng hơn: Quản lý nhà nước, chính sách, khuôn khổ pháp luật, nguồn nhân lực, hạ tầng và nguồn tài sản mới ngày nay là dữ liệu.

Bày tỏ ý kiến tại một tọa đàm mới đây về AI do Bộ KH&CN tổ chức, TS. Võ Sỹ Nam, Trưởng phòng Tin Y sinh Ứng dụng, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn Vingroup (VinBigData) cũng cho rằng, chất lượng dữ liệu là then chốt trong nghiên cứu AI bởi 80% công việc hiện nay là xử lý dữ liệu, do vậy bảo đảm chất lượng dữ liệu là rất quan trọng trong bất kỳ ứng dụng nào của AI.

Đặc biệt nhấn mạnh khía cạnh đào tạo nhân lực, PGS. TS Trần Minh Triết, Đại học Quốc gia TPHCM cho hay, đào tạo không chỉ dừng lại trong nhà trường mà cả những quá trình ra xã hội, quá trình đào tạo cần sự liên kết nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau, bởi AI chỉ phát huy được sức mạnh khi có sự kết hợp với những kiến thức chuyên môn các lĩnh vực khác. Thúc đẩy đào tạo để khắc phục một khó khăn hiện nay là lực lượng nghiên cứu AI ở Việt Nam còn rất mỏng.

Các công ty công nghệ nước ngoài muốn tiếp cận thị trường Việt Nam sẽ cần mua những sản phẩm hoặc thậm chí nhập sản phẩm made in Vietnam để áp dụng tại nước họ. Tuy khó khăn, nhưng đây là thời cơ để vươn tầm đón nhận thách thức.

Việt Nam đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo.

Chiến lược đặt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát triển các giải pháp và ứng dụng AI trong khu vực ASEAN và trên thế giới. Việt Nam xây dựng được 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực; phát triển 3 trung tâm quốc gia về lưu trữ dữ liệu lớn và tính toán hiệu năng cao; kết nối được các hệ thống trung tâm dữ liệu, trung tâm tính toán hiệu năng cao trong nước tạo thành mạng lưới chia sẻ năng lực dữ liệu lớn và tính toán phục vụ AI…

Theo đó, Bộ sẽ xây dựng và hoàn thiện bổ sung các văn bản pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ liên quan tới AI; triển khai mạnh mẽ hình thức hợp tác công-tư, đồng tài trợ cho các trung tâm đào tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển và trung tâm ứng dụng AI; đầu tư hình thành một số nhóm nghiên cứu trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu trong một số trường đại học, viện nghiên cứu công lập; đầu tư cơ sở vật chất cho một số phòng thí nghiệm trọng điểm về AI và khoa học dữ liệu trong các trường đại học, viện nghiên cứu công lập; thúc đẩy xây dựng một số trung tâm đổi mới sáng tạo về AI, hình thành một số thương hiệu của Việt Nam về AI trên thế giới.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *