Việt Nam đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo.

Trí tuệ nhân tạo (AI) không còn là một khái niệm quá mới mẻ đối với người dân tại Việt Nam. AI dần đi vào mọi ngóc ngách trong cuộc sống, từ việc mở khóa điện thoại hay là mua sắm trên mạng, đều là những ứng dụng từ trí tuệ nhân tạo.Tại Việt Nam, tuy trí tuệ nhân tạo đã phủ sóng ở hầu hết các lĩnh vực, nhưng để phát triển AI một cách chuyên sâu vẫn còn nhiều thách thức. Vậy hiện tại nước ta đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo như thế nào?

Lợi ích của AI. 

Tại Việt Nam, trí tuệ nhân tạo đã có những phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ tiên phong, then chốt góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của quốc gia. Các chuyên gia AI cũng thừa nhận, trí tuệ nhân tạo đã và đang được nhiều doanh nghiệp Việt Nam ứng dụng, mang lại nhiều tiện ích cho cuộc sống cũng như hỗ trợ người lao động ở nhiều lĩnh vực. Bên cạnh đó, AI cũng mang lại năng suất, rút ngắn thời gian cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Nói như ông Hoàng Ngọc Dương – Phó Giám đốc Trung tâm Không gian mạng Viettel, AI hiện nay đã đi vào ngõ ngách, khu vực rất nhỏ như tự động hóa, đồ gia dụng,.. giúp mang lại nguồn doanh thu lớn, tối ưu chi phí cho doanh nghiệp và tăng trải nghiệm của khách hàng. 

Đẩy mạnh đầu tư vào trí tuệ nhân tạo

Với tham vọng trở thành một trung tâm về trí tuệ nhân tạo của ASEAN vào năm 2030, chính phủ và nhiều doanh nghiệp Việt Nam mới đây đã ban hành chiến lược quốc gia về AI. Mục tiêu là từng bước đưa Việt Nam trở thành một trung tâm đổi mới sáng tạo và AI nằm trong top 4 khu vực ASEAN và trong top 50 của thế giới. Chiến lược này nhằm mục đích xây dựng 10 thương hiệu AI có uy tín trong khu vực và phát triển ba trung tâm dữ liệu lớn và máy tính hiệu suất cao quốc gia. Chiến lược chỉ ra rằng khu vực công sẽ là một ưu tiên. Chính quyền muốn sử dụng AI để nâng cao hiệu suất của khu vực này, đặc biệt là các dịch vụ công trực tuyến và quản lý nhà nước để giảm thời gian xử lý, chờ đợi, số lượng công chức và các chi phí khác. Chiến lược cũng định hướng, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng AI và khởi nghiệp về AI.

Nhưng không phải đến khi ban hành chiến lược AI thì các doanh nghiệp Việt Nam mới phát triển lĩnh vực này. Trên thực tế các tập đoàn công nghệ lớn trong nước và startup khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đang tăng tốc đầu tư và thực hiện những bước đi vững chắc trong nghiên cứu và ứng dụng AI trong nhiều mô hình kinh doanh mới. 

Trong nỗ lực thực hiện mục tiêu trở thành đơn vị dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia, VNPT – một doanh nghiệp viễn thông xuất phát từ nhà nước, đang đẩy mạnh phát triển những công nghệ AI liên quan đến thành phố thông minh và chính quyền điện tử. Bắt tay với các địa phương, VNPT đã triển khai trên 30 trung tâm điều hành và giám sát thông minh ở các tỉnh/ thành phố trên toàn quốc, trong đó có nhiều trung tâm đã đưa vào vận hành. Những tập đoàn khác như Viettel, Vingroup,.. Cũng đang mạnh tay bỏ tiền vào nghiên cứu và phát triển AI. Để nâng cao năng lực nghiên cứu, Viettel và Vingroup đã tiên phong đầu tư vào công nghệ siêu máy tính với khả năng thực hiện trên 20 triệu tỷ phép tính/ giây nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp trong tính toán. Trong khi Vingroup hướng vào các công nghệ ứng dụng AI trong chăm sóc sức khỏe , ô tô thông minh và xe tự lái. Viettel đặt trọng tâm đầu tư vào các công nghệ xử lý ngôn ngữ tự nhiên, chuyển đổi giọng nói, chữ viết tiếng Việt với độ chính xác cao.

Không chỉ các tập đoàn lớn chạy đua AI, nhiều startup Việt hoặc có người Việt Nam sáng lập cũng theo đuổi lĩnh vực này. Một số đã ghi dấu ở thị trường như Elsa speak, Harrison-AI hay là Hekate. Không ít các startup Việt nói rằng họ đã triển khai hoặc tính đến chuyện triển khai AI trong các sản phẩm của mình trong tương lai.

Đối mặt với những thách thức

Công nghệ nói chung và AI nói riêng đã tạo ra một thế giới phẳng mà thông tin được chia sẻ, tiến tới sự bình đẳng cho từng người dân. Thách thức là con người, cơ sở vật chất và chính phủ của mỗi nước phải chạy đua với công nghệ nếu không muốn tụt hậu. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, AI là một trong những yếu tố then chốt. Bởi vậy, theo các chuyên gia, đối với Việt Nam, AI vừa là cơ hội, vừa là thách thức lớn. AI mang lại cơ hội để có thể bứt có thể bứt phá vươn lên trong thời kỳ chuyển đổi số và AI là một trong những cơ hội hiếm hoi để Việt Nam ghi tên trên bản đồ công nghệ thế giới. 

Tuy nhiên, AI không phải là “cây đũa thần”, không thể biến không thành có, biến một thành hai. Để thực sự đầu tư phát triển và ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, các doanh nghiệp Việt phải vượt qua không ít thách thức. Thách thức đầu tiên là vấn đề nhân lực, làm thế nào để đáp ứng đủ lượng nhân sự đủ trình độ để phát triển AI. Để đào tạo đội ngũ kỹ sư chất lượng cao có chuyên môn về AI sẽ rất cần nguồn lực của các doanh nghiệp cũng như sự đầu tư của nhà nước, bởi kinh phí và nguồn tài nguyên yêu cầu là rất lớn. 

Ngoài ra một thách thức khác mà các doanh nghiệp phải đối mặt là chất lượng và độ chuẩn xác của dữ liệu. Dữ liệu là nguyên liệu quan trọng của bất kỳ hệ thống thông tin nào, nhưng để phát triển AI thì cần một nguồn dữ liệu sạch, chính xác và theo quy chuẩn, hay gọi cách khác là dữ liệu đã dán nhãn. Dữ liệu chất lượng cao là thách thức của bất kỳ kỹ sư nào đó khi phát triển AI. Chính vì vậy, việc phát triển AI tại Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức những điều đó không thể nào ngăn cản được các doanh nghiệp Việt đi sớm và bước vào kỷ nguyên AI.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *